Những nhà cầm quyền luôn muốn duy trì tháp dân số trẻ để có lực lượng lao động dồi dào, để làm việc và đóng thật nhiều thuế. Trong tháp dân số, người già được coi là gánh nặng cho nền kinh tế. Nghe thì có vẻ đúng, có vẻ hợp lý nhưng chúng ta hãy đổi góc nhìn một chút.

Tài nguyên quốc gia có hạn, nhiều trẻ em được sinh ra hơn nghĩa là sẽ có ít tài nguyên được chia cho mỗi người hơn. Hãy tưởng tượng Sài Gòn sẽ thế nào nếu dân số là 20 triệu người chứ không phải 10 triệu người như hiện nay? Cùng một diện tích đất, cùng một lượng tài nguyên giờ đây phải gánh trên lưng gấp đôi nhân khẩu. Tiền trọ cao hơn, học phí cao hơn, giá đất đai nhà cửa cao hơn. Một gia đình sống trong chung cư 100 m2 có thể sẽ chỉ đủ chi phí để sống trong căn phòng 50 m2 trong tương lai. Thế hệ con em chúng ta sẽ phải cạnh tranh với nhau gay gắt hơn chỉ để mua được một cái nhà nhỏ chui ra chui vào.

Sẽ thế nào nếu tương lai dân số Sài Gòn chỉ là 5 triệu dân chứ không phải 10 triệu dân như bây giờ? Chẳng phải sẽ ít kẹt xe hơn, ít ô nhiễm hơn, ít chi phí sinh hoạt hơn, vì tài nguyên cho mỗi đầu người giờ đã nhiều hơn gấp đôi. Chẳng phải mọi thứ sẽ dễ thở hơn hay sao? Và khi dễ thở hơn, điều kiện sống tốt hơn mà không phải lo ngày mai ăn gì, ở đâu. Sự lo lắng bớt đi thì đầu óc sẽ có chỗ cho sự sáng tạo.

Hãy tưởng tượng tiếp. Một lớp học với 100 học sinh so với lớp học chỉ có 10 học sinh thì bạn sẽ cho con học lớp nào? Lớp học nào mà các bé sẽ được quan tâm nhiều hơn? Lớp học nào mà giáo viên có thể dõi theo và giúp khai phá xu hướng tài năng của từng bé chu đáo hơn? Trong lớp có 100 học sinh, có lẽ đã có rất nhiều đứa trẻ có tài năng tiềm ẩn bị thui chột chỉ vì không được quan tâm, giống như câu chuyện bắt con cá leo cây vậy. Một đứa trẻ có cơ thể dẻo dai, ưa thích nhảy múa mà bạn lại bắt chúng ngồi giải bài tập toán? Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng riêng, vậy nên cần có cách tiếp cận riêng phù hợp với chúng. Không thể đánh đồng tất cả rồi sản xuất đại trà kiểu dây chuyền công nghiệp được.

Những nhà cầm quyền muốn số lượng vì họ muốn tăng trưởng kinh tế nhưng tôi luôn nhấn mạnh thế này: "hãy chú trọng vào chất lượng hơn là số lượng!". 10 kỹ sư, 10 nhà bác học uyên bác như Einstein, 10 lao động tay nghề cực cao, 10 nghệ nhân chẳng phải sẽ tạo ra giá trị sản phẩm, năng suất lao động cao hơn 100 người bốc vác, lao động chân tay rất nhiều hay sao? Hãy tạo ra thế hệ tương lai tinh anh có thể sản xuất ra Iphone chứ đừng tạo ra 1 đội quân chỉ để bốc vác. Hãy tạo ra các kỹ sư, và họ sẽ tạo ra máy móc thay con người làm việc đó. Vấn đề nằm ở sự chăm chút của chúng ta cho từng đứa trẻ chứ không phải bao nhiêu đứa trẻ sẽ tham gia lực lượng lao động trong tương lai.

Vậy rốt cuộc góc nhìn của tôi đúng hay của những nhà lãnh đạo đúng? Không biết! Không bàn về đúng sai ở đây vì chúng ta đang nói về tương lai. Và chỉ có 1 cách để biết, đó là khi tương lai đã xảy ra. Tất cả cũng chỉ là những phân tích suy luận. Góc nhìn nào hợp lý hơn, lựa chọn con đường nào là quyền tự do của các bạn.

một nửa sự thật.