Hỏi: "Ngày xưa người ta gọi nó là “chứng u sầu”. Ngày nay, nó được gọi là “chứng trầm cảm” và nó thật sự là một bệnh dịch ở các quốc gia phát triển. Vậy trầm cảm là gì? Đó có phải là phản ứng của con người đối với một thế giới u buồn?"
Thực tế là con người luôn sống trong nghèo đói. Nghèo đói có vẻ đẹp: nó không bao giờ phá hủy tia hy vọng của bạn, nó không bao giờ chống lại ước mơ của bạn, nó luôn mang lại nhiệt huyết cho ngày mai. Người ta hy vọng, tin rằng mọi thứ sẽ tốt hơn: “Thời kỳ đen tối này đã qua; ánh sáng sẽ sớm xuất hiện”.
Nhưng hoàn cảnh đó đã thay đổi. Trầm cảm không phải là dịch bệnh ở các quốc gia kém phát triển. Tại các quốc gia nghèo con người vẫn tràn đầy hy vọng - trầm cảm chỉ xuất hiện ở những quốc gia phát triển, nơi con người có mọi thứ mà họ hằng mong ước. Giờ đây, thiên đường sẽ không còn hấp dẫn nữa, một xã hội không có giai cấp cũng không giúp ích được nữa. Không có thế giới không tưởng nào tốt đẹp hơn.
Con người đã đạt được mục tiêu của mình, và việc đạt được mục tiêu này là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm. Giờ đây, không có hy vọng nào nữa. Ngày mai tăm tối, và ngày kia sẽ càng tối tăm hơn.
Mọi mơ ước của con người đều đẹp, nhưng con người chưa bao giờ nhìn vào những gì mà chúng hàm ý. Bây giờ, họ đã có các ước mơ đó trong tay, họ cũng có được hàm ý của chúng. Khi một người còn nghèo, anh ta cảm thấy đồ ăn rất ngon. Một người giàu không có cảm giác ngon miệng, cũng không thấy đói. Vậy thà nghèo mà có thể nếm được vị ngon của thức ăn còn hơn giàu mà không thèm ăn. Bạn sẽ làm gì với toàn bộ chỗ vàng, bạc, đô-la của mình? Bạn đâu thể ăn chúng.
Bạn có mọi thứ, nhưng cảm giác thèm ăn biến mất, cả cơn đói và tia hy vọng đã tạo động lực cho bạn đấu tranh suốt thời gian qua cũng vậy. Bạn đã thành công - và tôi đã nói đi nói lại rằng không có gì thất bại như thành công. Bạn đã đến được nơi mình muốn đến, nhưng bạn không biết về những hệ quả kèm theo. Bạn có trong tay hàng triệu đô-la nhưng bạn không ngủ được.
Đây là nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm. Đó là lý do tại sao nó chỉ phổ biến ở các quốc gia phát triển cũng như giữa những người thuộc tầng lớp giàu có ở những quốc gia này. Các quốc gia phát triển cũng có người nghèo. Họ có thể cảm thấy khổ sở nhưng họ không bị trầm cảm. Tuy nhiên, bạn không thể trao thêm hy vọng cho người giàu để giải thoát họ khỏi chứng trầm cảm, bởi vì anh ta có mọi thứ, anh ta đã có nhiều hơn những gì bạn có thể hứa hẹn.
Khả năng tận hưởng niềm vui là thứ cần được nuôi dưỡng. Nó là một quy tắc ứng xử, một nghệ thuật - về cách tận hưởng. Trở nên giàu có nhưng không nghèo khó là một nghệ thuật vĩ đại. Để nghèo nhưng vẫn giàu là một mặt khác của nghệ thuật vĩ đại ấy.
Đó không phải là chứng trầm cảm của xã hội, bởi vì nếu vậy thì nó cũng ảnh hưởng đến người nghèo. Nó chỉ đơn giản là một quy luật tự nhiên.Vvà bây giờ mọi người sẽ phải tìm hiểu quy luật này. Tôi không nói bạn từ bỏ sự giàu có hay từ bỏ bất cứ điều gì. Hãy để mọi thứ như nó vốn có. Bạn chỉ cần thêm một điều nữa vào cuộc sống của mình.