(Tự truyện của người có ảnh hưởng nhận thức lớn nhất thế kỷ 20)
Bà là một người phụ nữ chất phác, không được học hành, nhưng vô cùng nhạy cảm. Bà làm rõ với ông tôi và người lão bộc: “ Tất cả chúng ta đều đã sống một loại cuộc sống mà đã không đưa chúng ta tới đâu cả. Chúng ta vẫn trống rỗng như bao giờ, và bây giờ cái chết đang đến gần." Bà nhấn mạnh, “Hãy để cho đứa bé này không bị ảnh hưởng bởi chúng ta. Chúng ta có thể có ảnh hưởng gì nào ? Chúng ta chỉ có thể khiến cho nó giống như chúng ta, mà chúng ta thì chả là gì cả. Hãy cho nó một cơ hội được là chính mình.”
Ông ngoại tôi – tôi nghe họ bàn bạc trong đêm, nghĩ rằng tôi đang ngủ – thường nói với bà, “Bà đang bảo tôi làm điều này và tôi đang làm nó; nhưng mà thằng bé là con trai của người khác, và chẳng sớm thì muộn, nó phải về với cha mẹ nó. Họ sẽ nói gì? Ông bà đã không dạy cháu một chút xíu nào về phép lịch sự về phép xã giao, nó hoàn toàn hoang dã.”
Bà nói, “ Đừng lo lắng về chuyện đó. Trên toàn thế giới, mọi người đều bị “văn minh hoá” – và người ta đã được cái gì từ đó? Tối đa thì cha mẹ nó sẽ giận chúng ta. Vậy thì đã sao nào? Cứ để cho họ giận. Họ không thể làm gì đến chúng ta, và vào lúc đó, đứa bé này sẽ đủ mạnh mẽ đến mức họ không thể thay đổi dòng đời của nó.”
Tôi vô cùng biết ơn bà. Ông tôi thì thỉnh thoảng lại lo lắng rằng, chẳng sớm thì muộn, ông sẽ phải chịu trách nhiệm: “Họ sẽ nói, Chúng con giao nó cho ông bà, và ông bà chả dạy nó cái gì cả.”
Bà tôi thậm chí không cho phép thuê một gia sư. Có một người đàn ông trong làng, ông ta ít nhất có thể dạy tôi kiến thức sơ đẳng về ngôn ngữ, toán, một chút địa lý. Ông chỉ mới học đến lớp bốn - “lớp bốn thấp nhất,” như tại Ấn người ta gọi bậc tiểu học – nhưng ông là người được học hành nhiều nhất tại thị trấn đó. Ông tôi năn nỉ: “ Ông ta có thể đến và ông ta có thể dạy nó. Ít nhất, nó sẽ biết cách đánh vần, một chút toán, để khi nó về lại với cha mẹ nó, họ sẽ không bảo rằng, bảy năm của thằng bé đã hoàn toàn bị lãng phí.”
Nhưng bà tôi nói, “ Hãy để cho họ làm bất cứ cái gì mà họ muốn làm sau bảy năm. Trong bảy năm, thằng bé phải là bản ngã tự nhiên (natural self) của nó, và chúng ta sẽ không can thiệp vào”. Và luận cứ của bà luôn luôn là, “Ông biết cách đánh vần, thì sao nữa? Ông biết toán, thì sao nữa ? Ông đã kiếm một ít tiền; ông có muốn nó cũng kiếm một ít tiền và sống hệt như ông?”
Chừng đó là đủ để giữ cho ông già đó im lặng. Phải làm gì? Ông bị kẹt, bởi vì ông không thể biện luận – và ông biết rằng, ông sẽ phải nhận chịu trách nhiệm, chứ không phải bà, bởi vì cha tôi thường hỏi ông, “ Cha đã làm gì!". Và thực ra, cái đó có lẽ đã xảy ra, nhưng may thay, ông mất trước khi cha tôi kịp hỏi.
Về sau, cha tôi luôn nói, “ Ông cụ phải chịu trách nhiệm, cụ đã làm hỏng thằng bé.” Nhưng bấy giờ tôi đã đủ mạnh, và tôi làm rõ ra với ông: “ Trước mặt con, xin đừng nói một lời nào chống lại ông ngoại. Ông đã cứu thoát con khỏi bị cha mẹ làm hỏng – cái đó là mới là nguyên nhân chính khiến cha tức giận. Nhưng cha còn những đứa con khác - cha cứ làm hỏng họ, và cuối cùng, cha sẽ thấy là ai bị làm hỏng.”
Ông có những đứa con khác, và ngày càng nhiều thêm những đứa trẻ ra đời. Tôi thường trêu ông, “ Xin làm ơn mang đến thêm một đứa, cho đủ một tá. Mười một đứa con ? Người ta hỏi, ‘Bao nhiêu đứa con? Mười một có vẻ không tròn trịa; một tá thì ấn tượng hơn’.” Và trong những năm về sau, tôi thường nói với ông, “Cha hãy tiếp tục làm hỏng tất cả những đứa con của cha đi; con thì hoang dã, và con sẽ vẫn mãi hoang dã.” Một cách nào đó, tôi vẫn ở ngoài cái vòng cương tỏa của văn minh.
Tôi nói với cha tôi : "Không!". Đó là cái từ đầu tiên của tôi trước khi bước vào trường tiểu học. Tôi nói với cha tôi, “ Không, con không muốn bước vào chiếc cổng này. Đây không phải là một trường học, nó là một nhà tù.” Chính cái cổng, và màu của tòa nhà… Thật kỳ lạ, đặc biệt tại Ấn độ, những nhà tù và trường học được sơn cùng một màu, và chúng đều được xây bằng gạch đỏ. Thật khó mà biết một tòa nhà là một nhà tù hay trường học. Có lẽ xưa kia một kẻ thích đùa đã thành công trong việc làm một cú chơi khăm, nhưng ông đã chơi một cách hoàn hảo.
Tôi nói, “ Hãy nhìn ngôi trường này – cha gọi nó là một ngôi trường ư? Hãy nhìn chiếc cổng này! Thế mà, cha lại ở đây để cưỡng bách con bước vào học ít nhất trong bốn năm.”
Cha tôi nói, “ Ta luôn e rằng…” - lúc đó chúng tôi đang đứng ở cổng, dĩ nhiên ở phía bên ngoài, bởi vì tôi đã không cho phép ông dẫn tôi vào. Ông nói tiếp, “ … Ta luôn e rằng, ông của con, và nhất là người phụ nữ này, bà của con, sắp làm hỏng con.”
Tôi nói, “ Nỗi lo sợ của cha là đúng, nhưng công việc đã được làm xong rồi, và bây giờ không ai có thể hủy bỏ nó, nên chúng ta hãy đi về nhà thôi.”
Ông nói, “ Cái gì! Con phải được giáo dục.”
Tôi nói, “ Đây là loại khởi đầu gì vậy? Con thậm chí không được tự do để nói đồng ý hay không. Cha gọi nó là sự giáo dục à? Nhưng nếu cha muốn điều đó, thì làm ơn đừng yêu cầu con: Đây là bàn tay con, hãy lôi xệch con vào. Ít ra, con sẽ có sự thỏa mãn rằng, con không bao giờ tự mình bước vào cái “tổ chức” (định chế- institution) xấu xa này. Làm ơn, ít nhất hãy cho con ân huệ này.”
Dĩ nhiên, cha tôi đang rất bực mình, nên ông lôi xệch tôi vào. Mặc dù ông là một người rất chất phác, ông lập tức hiểu rằng, điều đó là không đúng. Ông nói với tôi, “ Mặc dù ta là cha của con, nhưng lôi xệch con vào, ta cảm thấy không đúng.”
Tôi nói, “ Xin đừng cảm thấy tội lỗi chút nào cả. Điều mà cha đã làm, là hoàn toàn đúng, bởi vì trừ khi một ai đó lôi con vào, con sẽ không tự ý quyết định đi vào. Quyết định của con là ‘không’. Cha có thể áp đặt quyết định của mình lên con, bởi vì con phải lệ thuộc cha về y phục, nơi ở, và mọi sự. Tự nhiên, cha ở trong một vị thế có đặc quyền.”
Tôi không bao giờ đi học một cách tự ý. Và tôi hạnh phúc, rằng tôi đã bị lôi xệch vào, rằng tôi không bao giờ vào một cách tự ý, do tự chọn. Trường học thực sự là xấu xa – mọi trường học đều xấu xa. Thực ra, tạo ra một tình huống nơi mà trẻ có thể học tập là tốt, nhưng giáo dục chúng là không tốt. Sự giáo dục tất yếu là phải xấu xa.