Hãy bắt đầu bằng một đoạn trích:
"Thật vớ vẩn! Không người đàn ông có trí khôn nào mà lại đi học triết học cả. Con định sẽ làm gì sau đó? Sáu năm lãng phí trong trường đại học để học thứ mà không ai cần đến. Thứ đó không mang lại bất cứ giá trị nào hết, con sẽ không kiếm được dù chỉ một công việc cỏn con."
Họ nói đúng. Ở Ấn Độ, nếu bạn muốn xin làm một công việc nhỏ nào đó, như là thư kí trong một bưu điện chẳng hạn, thì trình độ chuyên môn của bạn cũng chỉ cần đậu tốt nghiệp là đủ. Và nếu như bạn lại còn có một bằng cử nhân triết học, đứng đầu trường đại học hay thậm chí nếu bạn có nhiều huy chương vàng các cuộc thi đi chăng nữa... bạn sẽ bị từ chối. Bởi vì những thứ đó là quá nhiều, bạn sẽ bị loại, bạn sẽ bị coi là một người khó khăn.
Một thư kí không nên là một triết gia, nếu không thì sẽ sinh ra rất nhiều rắc rối không cần thiết.
Vậy nên họ bảo tôi: "Con sẽ phải chịu thua thiệt cả đời con. Hãy nghĩ lại đi."
Tôi nói: "Con không bao giờ cần suy nghĩ, con biết rõ điều đó. Và đây không phải vấn đề về sự lựa chọn vì con biết rõ thứ con muốn học là gì. Nó không phải là vấn đề về việc cân nhắc xem ngành nghề nào thì mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Thậm chí nếu thứ con muốn sẽ khiến con trở thành một kẻ ăn xin, con vẫn muốn học triết học."
Họ không còn gì để nói nên họ đành hỏi: "Nhưng lý do khiến con muốn học triết học là gì?"
Tôi nói: "Lý do là con muốn dùng cả cuộc đời con để chiến đấu chống lại triết học. Nên con cần phải biết mọi thứ về nó trước."
Họ nói: "Chúa tôi! Đây là ý tưởng của con sao? Chúng ta không bao giờ có thể hình dung rằng một người muốn học triết học bởi vì anh ta muốn chống lại triết học cả đời anh ta."
Nhưng họ biết tôi điên mà nên họ nói: "Chúng ta đã tính tới những chuyện tương tự thế này". Nhưng họ vẫn cứ cố thuyết phục tôi: "Vẫn còn thời gian, con có thể tiếp tục suy nghĩ về nó. Trường đại học sẽ mở cửa trong một tháng nữa. Con vẫn còn thời gian suy nghĩ"
Tôi nói: "Một tháng, một năm hay một đời cũng không khác biệt gì, bởi vì con không có bất cứ sự lựa chọn nào khác. Nó là sự-lựa-chọn-trách-nhiệm của con."
Một trong những người chú của tôi, người đã từng tốt nghiệp đại học, nói: "Hoàn toàn không có cách nào để nói chuyện với thằng nhóc này - nó dùng những từ dường như không mang nghĩa gì cả: sự lựa chọn, trách nhiệm, nhận thức - những từ này thì liên quan gì đến cuộc sống chứ? Cháu cần tiền, cháu sẽ cần một ngôi nhà, cháu sẽ phải chu cấp cho một gia đình..."
Tôi nói: "Cháu không định có một gia đình. Cháu không định có một ngôi nhà và cũng không định nuôi ai hay chu cấp cho ai cả."
Và tôi đúng là đã không nuôi ai cũng như không có bất cứ ngôi nhà nào cho tới giờ. Tôi là người đàn ông nghèo nhất trên thế giới.
Họ không thể ép buộc tôi trở thành một bác sĩ, kĩ sư, nhà khoa học, nhưng tất cả họ đều rất tức giận. Đặc biệt cha tôi, ông ấy muốn tôi trở thành một kĩ sư hay một bác sĩ. Tôi đơn giản từ chối. Tôi nói "Con chỉ định học triết học bởi vì con phải chiến đấu chống lại triết học cả đời con."
(trích từ Osho - Sinh viên nổi loạn)
Chim lớn phải rời tổ, sói lớn phải tách bầy. Cây cối không thể chọn nơi nó mọc nhưng chúng quyết định cách mình lớn lên hướng về phía mặt trời. Đó là quy luật tự nhiên. Chỉ có con người là dính mắc bám víu vào con cái mãi đến khi lìa đời. Vậy thì bao giờ nó mới được sống cuộc sống của chính nó, lắng nghe trái tim tự do làm những điều nó muốn? Áp đặt ý chí của mình lên chính con cái mình, để rồi nó trở thành cái bóng của cha mẹ, thành con rối sống vô thức theo tiêu chuẩn mà xã hội áp đặt. Khiến đứa trẻ mãi sống lay lắt trong cuộc đời của chính cha mẹ chúng. Một đứa trẻ trong hình hài của người lớn mà không bao giờ có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Vì nó đã bao giờ sống cuộc sống của nó đâu.
Có một đứa trẻ vừa chào đời. Dù chưa biết nói nhưng sự thông minh hiện rõ trên khuôn mặt nó. Đôi mắt sáng long lanh, miệng cười lém lỉnh, đôi tay nhỏ tò mò nghịch ngợm mọi thứ xung quanh. Như một thiên thần nhỏ đến mức cha mẹ nó phải thầm thốt lên:"ôi con mình sau này sẽ khiến mình tự hào với người ta lắm". Rồi họ tưởng tượng ra những thứ đẹp đẽ, trong đầu họ vẽ ra lộ trình để cuộc sống của đứa bé không có tí sai sót nào. Sự kỳ vọng bắt đầu nhen nhóm lên trong tiềm thức cha mẹ nó.
Nó bắt đầu học cấp 1 ở ngôi trường được cha mẹ nó lựa chọn cẩn thận. Nó còn nhỏ quá, không thể tự chọn trường. Thoáng cái lại sắp vào cấp 2. Trí khôn của nó vẫn chưa đủ để ra quyết định. Cha mẹ nó với kỳ vọng cao ngất quyết phải chọn cho nó một ngôi trường tuyệt vời. Cứ thế thành thói quen, rồi lại vào cấp 3, đại học. Tám tiếng ngồi trên lớp chưa kể lúc học thêm, từ năm này qua năm khác, suốt bao nhiêu năm nó vẫn không biết mình học để làm gì? Trở thành chuyên gia trong nhiều lĩnh vực với mớ kiến thức cao siêu: lai tạo gen, đồng vị phóng xạ, lượng tử, đạo hàm, tích phân, lượng giác bla bla... Những thứ này giúp được gì nó trong xã hội ngoài kia? Nó chán ngắt cái việc học nhưng vì sự kỳ vọng của phụ huynh, vì xung quanh nó ai cũng thế nên chắc việc đến trường mỗi ngày là chân lý đúng đắn. Nó thôi không nghĩ nữa....
Nó ra trường rồi lấy vợ, nhưng có thật sự nó muốn lấy vợ? Hay là do nó đã nhầm lẫn giữa mong muốn của xã hội với mong muốn của chính nó? Do cha mẹ muốn có cháu bế nên giục nó lấy vợ? Hay là do xã hội ngoài kia ai cũng thế nên tốt hơn hết là mình nên thế? Cũng vì nó đã thôi không nghĩ nữa, thôi không hỏi tại sao nữa. Hỏi tại sao là dám nghi ngờ bản thân, dám chấp nhận bản thân đã sai, dám phủ nhận tất cả những gì trước giờ mình tưởng quan trọng lại là những thứ vô nghĩa, dám đi lại từ đầu, lại bắt đầu tập đếm, bắt đầu với ABC. Điều này cần có lòng can đảm lớn lao. Hỏi tại sao sẽ khiến trở nên khác biệt với mọi người. Khác biệt khiến nó cảm thấy lạc lõng. Nhưng đây cũng là cách duy nhất để có thể lắng nghe trái tim mình thực sự muốn gì.
--
Như Osho đã nói:
Tôi có con đường của riêng tôi, cuộc đời của riêng tôi, cá tính của riêng tôi và tôi tuyệt đối sẽ không để cho một ai can thiệp vào nó.
Tôi không cho phép bất cứ ai chi phối tôi. Tôi cũng không cho phép cuộc sống của ai bị chi phối bởi tôi. Đó là lý do tại sao tôi không đưa ra bất cứ thứ khuôn phép hay kỷ luật nào cho người của tôi. Tôi đơn giản đặt sự tự do vào chính họ và trách nhiệm phải trở nên tự do."
Đừng bao giờ quấy rầy sự tự do của bất cứ ai và cũng đừng bao giờ cho phép ai quấy rầy sự tự do của cuộc đời bạn. Hãy trở thành những con người cá nhân.
Nhìn vào sự thật luôn là cú tự vả vào mặt mình. Nhưng ta phải làm thế, đó là cú vả để giúp người mê tỉnh dậy. Cú vả khiến ta đau đớn, khó chịu, tức giận nhưng cũng giúp đôi mắt mở to để nhìn thấu sự thật của thế giới này."