Ý nghĩa của giáo viên là gì? Chúng ta có bao giờ nghĩ về nó? Bạn dạy trẻ em như được dạy trên khắp thế giới rằng chúng phải yêu thương lẫn nhau. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng toàn thể cấu trúc giáo dục của bạn được xây dựng không dựa trên yêu thương mà dự trên sự cạnh tranh. Bạn tự cho là dạy yêu thương, nhưng toàn bộ sắp xếp là để dạy cạnh tranh. Nơi có cạnh tranh thì không thể yêu thương. Cạnh tranh là một dạng của đố kỵ. Một kiểu kích động mãnh liệt, ghen tị. Bạn đang dạy cái gì vậy?

Khi đứa trẻ đứng nhất lớp, đứa trẻ khác được bảo rằng nó bị tụt lại đằng sau và người bạn cùng lớp này đã đứng đầu. Bạn đang dạy nó tâng bốc, cạnh tranh và vượt lên trước. Bạn đang bảo chúng rằng người nào đứng nhất thì phải cao hơn, và người phía sau thì thấp hơn. Trong những cuốn sách bạn bảo chúng khiêm nhường và yêu thương trong khi toàn bộ sắp xếp của bạn lại dạy chúng căm ghét, đố kị và đứng nhất. Đứa nào đứng nhất thì được thưởng huy chương vàng và bằng khen chứng nhận, nó được đội vòng hoa và chụp hình. Còn những đứa khác, những đứa đằng sau bị xúc phạm bởi hệ thống. Khi bạn đang xúc phạm đứa ở phía sau. Hoa cho kẻ thắng và lệ cho người thua. Những đứa đứng nhất được tán dương. Bạn không phải đang thúc đẩy bản ngã của nó sao? Khi những đứa trẻ được đào tạo trong bản ngã ghen tị và cạnh tranh như thế thì làm sao chúng yêu thương được?

Tôi sẽ kể cho bạn nghe một giai thoại nhỏ. Có 3 vị thánh Sufi bị treo cổ, những người gọi là tôn giáo luôn chống lại những vị thánh thực sự. Khi họ đang chờ để bị treo cổ. Họ ngồi thành một hàng. Kẻ treo cổ sẽ gọi tên, tên này nối tiếp tên kia và sẽ treo cổ họ lên. Kẻ treo cổ hét lên cái tên Nori. Nhưng người có tên Nori không đứng dậy. Thay vào đó có một người khác đứng dậy và nói:

-"hãy treo cổ tôi trước đi".

Người treo cổ nói: "Tên mày không phải là Nori sao mày vội chết thế?"

Người đã tiến lên phía trước đáp: "Tôi yêu Nori, và tôi hiểu rằng nếu là vấn đề chết thì tôi cần lên trước. Và nếu nó là sống thì tôi cần ở sau..."

Tình yêu nó như thế đấy, còn cạnh tranh thì nói gì? Cạnh tranh bảo bạn "hãy ở lại sau cho đến khi tất cả chết hết, hãy tiến lên phía trước đi nếu đó là sống". Thế giới liệu có thể có chỗ nào tốt hơn để sống khi mà chất độc của sự cạnh tranh, của tham vọng đang được rót đầy tâm trí lũ trẻ? Khi đứa trẻ say mê vượt lên những đứa trẻ khác và những đứa trẻ khác thì bị bỏ lại phía sau. Thế thì sau khi được giáo dục trong 20 năm nó sẽ làm gì trong đời? Nó sẽ là một cái mà nó được dạy. Mọi người đều đang kéo người khác xuống. Từ người phục vụ cho đến tổng thống, mọi người đang kéo kẻ khác xuống. Trong tiến trình này, nếu một người phục vụ bằng cách nào đó trở thành tổng thống, chúng ta bảo anh ta "đó là niềm tự hào và phẩm hạnh lớn lao". Thực tế không có bạo lực nào to lớn hơn việc tự đẩy bản thân lên phía trước bằng cách kéo những người khác lại. Nhưng chúng ta lại đang dạy bạo lực này và gọi nó là giáo dục. Trong thế giới dựa trên bạo lực này, nếu có những cuộc chiến tranh tiếp diễn thì điều đó cũng chẳng có gì là ngạc nhiên cả. Nếu trong thế giới dựa trên nền giáo dục này, khi những cung điện được xây dựng gần những túp lều thì có gì đáng ngạc nhiên nếu những người sống trong cung điện thoải mái nhìn những người sống trong những túp lều đang chết.

Sẽ luôn có những người nghèo, và vài người khác có nhiều và rất nhiều hơn đến nỗi không biết làm gì với nó. Điều này tất cả đều do giáo dục hiện thời. Và giáo viên cũng phải chịu trách nhiệm cho điều này. Anh ta đã trở thành công cụ để lợi dụng. Dưới danh nghĩa mang là giáo dục trẻ em, giáo viên đã trở thành công cụ trong tay những quyền lợi bất di bất dịch. Nếu đây là giáo dục, thì tốt hơn là nên ngừng việc giáo dục hoàn toàn. Có lẽ theo cách đó, một người sẽ còn tốt hơn. Một người vô giáo dục sống trong khu rừng có thể còn tốt hơn bởi vì anh ta có nhiều yêu thương hơn và ít tranh giành hơn. Nhiều trái tim hơn và ít tâm trí hơn. Chúng ta gọi điều này là giáo dục. Chúng ta dạy trẻ em những điều mâu thuẫn lại với chính điều mà chúng ta mong đợi chúng làm. Toàn thể cấu trúc của chúng ta dạy những điều mâu thuẫn. Chúng ta dạy cái gì? Chúng ta dạy cảm thông và khoan dung, nhưng làm sao tâm trí cạnh tranh có thể độ lượng và cảm thông được? Nếu có cảm thông trong tâm trí người tranh giành, làm sao người đó có thể cạnh tranh được? Tâm trí cạnh tranh sẽ luôn bạo lực, khắc nghiệt và không độ lượng. Hệ thống của chúng ta là tới mức chúng ta không tự nhận ra rằng người đẩy mình lên phía trước bằng cách kéo người khác lùi lại là người bạo hành. Chúng ta gọi đó là trường học, là đại học. Đó là sự dối trá. Đó là những xưởng máy nơi tâm trí ốm yếu được tạo ra. Những tâm trí ốm yếu đang đưa thế giới xuống hố. Bạo hành gia tăng và cạnh tranh gia tăng. Tay mọi người đều đang chẹn vào cổ những người khác hoặc đang để trong túi của ai đó khác.

Liệu sự cạnh tranh, sự kình địch này là giữa hai cá nhân hay hai quốc gia? Chẳng có gì khác biệt hết. Chúng ta được dạy không ai ở lại đằng sau. Nếu các ngài giết một người, chúng tôi sẽ giết mười người. Nếu các ngài phá hủy một nước, chúng tôi sẽ phá hủy hai nước. Chúng ta đang sẵn sàng phá hủy mọi thứ nhưng chúng ta không thể để mình ở lại phía sau được.

Ai đang tạo ra tình cảnh này, tất cả là do nền giáo dục. Nhưng chúng ta mù và chúng ta không có khả năng nhìn ra vấn đề. Chúng ta dạy trẻ em không tham và không sợ. Nhưng chúng ta lại đang dạy chúng tham và sợ mọi lúc. Ngày xưa đã có sợ địa ngục và thưởng cõi trời. Điều đó đã được dạy trong hàng nghìn năm. Có sợ rằng tôi có thể xuống địa ngục; có tham rằng bằng cách nào đó tôi phải đạt tới cõi trời. Bất kỳ chỗ nào có thưởng và phạt đều sẽ có tham và sợ. Nhưng chúng ta dạy con em chúng ta cái gì? Phương pháp chúng ta giảng dạy là gì? Phương pháp duy nhất là dạy lòng tham và sợ hãi. Hoặc chúng ta phạt chúng, hoặc cám dỗ chúng bằng việc cho huy chương vàng, danh tiếng tốt, chức vụ tốt hơn, hay địa vị cao trong xã hội. Nếu bạn học tốt, bạn sẽ được làm ông trùm, người cai trị, tổng thống. Chúng ta tạo những cám dỗ như thế trong tâm trí trẻ em. Chúng ta đã bao giờ dạy chúng cách sống cuộc sống bình an và vui sướng chưa?
...
Có chỗ nào cho những kẻ không thành công hay không?
...

Trong hệ thống giáo dục này không có chỗ cho những người không thành công. Chúng ta đang tạo ra cơn sốt thành công. Và do vậy, thành công là điều duy nhất mà người đó có thể làm. Thành công che giấu mọi việc làm sai. Cách một người leo lên thành tổng thống từ vị trí của người phục vụ không còn là vấn đề nếu một khi người đó đã trở thành tổng thống. Không ai bận tâm về cách người đó đã trở thành tổng thống, bằng phương tiện nào, bằng cách lừa lọc nào, bằng dối trá nào và bằng thủ đoạn nào. Không cần hỏi cách người đó đã trở thành tổng thống. Chẳng ai hỏi mà cũng chẳng có câu hỏi nào để hỏi. Ngay khi một người trở nên thành công, tất cả tội lỗi ngừng. Thành công là mục tiêu duy nhất. Thế thì sao tôi lại không nên thành công bằng cách nói những điều dối trá và trở thành không trung thực? Nếu tôi thử nói sự thật và tôi trở thành không thành công, liệu tôi sẽ phải làm gì khác?

Vậy nên chúng ta biến thành công thành trung tâm cuộc sống. Khi dối trá và không trung thực tăng lên, chúng ta đã trở nên rất không hạnh phúc. Chừng nào thành công còn là tiêu chuẩn để đánh giá thì dối trá, trộm cắp và không trung thực vẫn còn đó. Kính trọng nên được trao cho những hành vi tốt chứ không phải cho sự thành công."

Trích từ "OSHO - Giáo viên, Xã hội và Cách mạng”.