(Đây là bài diễn thuyết của John Jandai tại TED Talk: Nơi chia sẻ những tư tưởng táo bạo. Là trải nghiệm của tác giả tại Thái Lan, từ một vùng quê nơi đất nước ông sinh sống thời kỳ công nghiệp hóa).
Tôi muốn chia sẻ với các bạn kinh nghiệm của tôi về chuyện đi học. Và nó sẽ khác với những gì bạn trông đợi. Tôi từng nghĩ như mọi người rằng giáo dục giúp đời ta tốt hơn, giáo dục dẫn đời ta đến thành công. Với suy nghĩ đó, tôi đã nỗ lực để tiến bộ bằng cách học thật nhiều.
Nhưng rồi tôi phát hiện ra điều ngược lại. 60 người mà tôi từng đi học cùng. Người giỏi nhất lớp giờ là một viên chức mang nhiều khoản nợ. Nhiều bạn trong lớp, cha mẹ họ phải bán đàn trâu, ruộng để có tiền đi học, lâm vào nợ. Nhưng con họ tốt nghiệp xong lại không tìm được việc làm và không trả được tiền nợ để chuộc lại đất cho cha mẹ. Họ trở thành những người lao động cấp thấp không kỹ năng và phải liên tục làm việc cho đến rã xương. Điều đó khiến tôi nhận ra, giáo dục với người nghèo giống như là canh bạc.
Đặc biệt trong thời bây giờ, tôi thấy người ta làm việc cực nhọc, dành hơn 10 năm của cuộc đời để trả nợ tiền học phí cho con. Nhưng con họ không có nổi việc làm, hoặc chỉ là những công việc còn thừa lại do những người khác không muốn làm. Từ góc nhìn của người nghèo mà nói nền giáo dục làm khổ họ rất nhiều. Chúng ta học nhiều, nhưng những thứ ta cần trong đời sống thì lại không phải thứ ta được học. Tại sao ta lại lãng phí nhiều thời giờ đến thế. Hai mươi năm trời và nhiều tiền của để học thứ mà ta không dùng?
Tôi đã từng rất ghét toán, cố hiểu Sin, Cos, Tan, pi, bán kính, bình phương,.v.v... Giờ tôi vẫn chưa tìm được ai cần dùng phép căn bậc hai trong cuộc sống hàng ngày cả. Nhiều bạn trong lớp tôi đi học tiếng Anh từ hồi tiểu học cho đến đại học. Trong số 60 bạn, không bạn nào nói được tiếng Anh, chỉ có tôi là nói được tàm tạm. Làm sao mà nói được khi mà đến giáo viên của chúng ta cũng không thạo? Vậy sao chúng ta học? Sao ta lãng phí thời gian quý giá đời mình. Từng phút đều giá trị nhưng ta để nó phí phạm một cách đáng tiếc.Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về giáo dục khi con tôi chào đời. Giáo dục thực sự là gì? Tôi nhận ra rằng có hai thứ mà giáo dục hiện nay lấy đi khỏi ta:
Đầu tiên là tình yêu. Tình yêu nảy sinh khi ta ở gần nhau, gắn kết và chia sẻ. Khi ta vào trường học, tình yêu mất đi bởi vì sự gắn kết bị đứt rồi. Bạn có nhớ ngày lạc lõng nhất trong đời mình? Đó là ngày đầu tiên đi học. Phải, chính là ngày đó, tại sao ta bắt đầu đời con mình bằng nỗi buồn trong khi thế giới có rất nhiều điều vui? Ta có thể tạo nên nhiều niềm vui nhưng ta làm con mình buồn ngay ngày đầu tiên. Ta tạo áp lực cho con trẻ để học những thứ mà chúng không muốn. Khi tôi còn bé, chủ nghĩa C.S được giới thiệu. Có những tin đồn rằng, nếu đất nước chúng ta trở thành nước CS thì trẻ con sẽ bị tẩy não, người lớn bị áp bức lao động, người lớn chỉ được cho ăn một chén gạo mỗi ngày. Tôi đã rất sợ. Mỗi lần nghĩ đến viễn cảnh đó tôi đều khóc. Tại sao ư? Tôi yêu cha mẹ tôi rất nhiều, tôi không muốn bị chia lìa. Nhưng ngày hôm nay điều mà tôi sợ nhất đó đã trở thành điều bình thường trong cuộc sống mọi người. Tôi không hiểu được tại sao những thứ tôi sợ dường ấy giờ lại trở thành điều bình thường hiển nhiên, tại sao con trẻ phải rời xa bố mẹ. Tình thương yêu không chỉ là một bản năng mà còn là di sản được vun đắp và truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng giờ, chúng ta không còn truyền lại di sản đó sang cho con cái nữa. Ta tách mình khỏi chúng để tránh sự gắn kết, để chúng tự lập và rồi tất cả chúng ta đều cô độc. Đó là thứ đầu tiên ta bị giáo dục lấy đi.
Điều thứ hai bị lấy đi là sự sáng tạo. Sáng tạo là điều nảy ra trong đời sống ta. Đặc biệt khi ta dưới 10 tuổi, khoảng thời gian mà trí óc được tự do. Trẻ nhỏ bắt đầu sự sáng tạo bằng cách chơi với cát, đất, lá cây, que gậy ,... từ đó chúng chế ra thành đủ các thứ. Đó là khoảng thời gian phát triển cho sự sáng tạo tuyệt vời. Khi ta già đi, ta ít sáng tạo hơn bởi đầu ta chất đầy thông tin, ta học theo, làm theo suy nghĩ của người khác. Ở Thái Lan, khi chúng ta muốn phát triển điều gì: bầu cử, dân chủ, chính trị gia, quan chức,vv... chúng ta phải đi học từ những nước khác. Tại sao? Để bắt chước họ bởi chúng ta không tự nghĩ được. Bởi ta không được luyện tập để sáng tạo. Trẻ em có thể sáng tạo khi chúng dưới 10 tuổi. Nên ở tuổi này, chúng không nên ngồi học. Chúng nên vui đùa, chơi, cảm nhận niềm hạnh phúc, cảm nhận sự tự do, cảm nhận sự sáng tạo và cảm thấy chúng có thể làm bất cứ điều gì.
Đó là những điều quan trọng nhất, Những thứ tạo nên con người. Nhưng chúng ta gửi con mình 3 tuổi đi mẫu giáo, ép chúng học ở trường, học thêm nhiều khóa học, mang những cái cặp còn nặng hơn cặp của ta. Ta bắt chúng chịu áp lực từ những ngày bé nhỏ. Chúng tàn héo khi còn chưa kịp nở. Sao ta ác với con mình quá? Liệu chúng có thông minh hơn nếu học nhiều hơn? Xem nào, có thật nhiều trường đại học và nhiều cử nhân nhưng hôm nay, ngập lụt ở Bangkok lại thành vấn đề lớn. Ngập lụt từng là chuyện thường tình nhưng giờ nó thành vấn đề. Thiếu nguồn nước sạch, người ta phải mua nước đóng chai. Đây là khủng hoảng về ý thức, về giáo dục mà chúng ta không giải quyết được. Chúng ta đi học để làm cho những thứ vốn bình thường trở thành vấn đề.
Khi con trẻ không thể sáng tạo, chúng bị stress, căng thẳng. Rồi chúng quen với điều đó. Chúng trở thành những người lớn căng thẳng. Cuộc sống là thế này: tôi sinh ra để làm việc, nhận lương và tiêu xài. Chấm hết. Tất cả chỉ có vậy. Không có gì nữa. Người ta không suy nghĩ nhiều bởi vì giờ nhà trường chỉ có vài chức năng: dạy con trẻ nghe lời, ngoan ngoãn, nằm trong khuôn khổ, chấm hết. Bằng cách nào đó giờ đây mọi đứa trẻ mặc đồ giống nhau, đầu tóc giống nhau, trả lời y chang nhau cho những câu hỏi giống nhau....Không suy nghĩ, chỉ có lựa chọn có sẵn: A, B, C và D. Không sáng tạo!Sau khi ra trường, chúng ta không biết cách suy nghĩ nữa. Và chúng ta chỉ có thể nghe lời và tuân theo thôi. Đây trở thành một vấn đề xã hội. Học xong với đầy ắp kiến thức, nhưng không có việc? Sao có thể như thế được? Vậy những thứ ta học là vô nghĩa rồi còn gì? Nhìn lại những thứ chúng ta học mà xem. Cái gì cũng thật xa vời: trái đất, mặt trăng, tổng thống nước này nước kia, đá hoa cương, than bùn, các loại đá,... nhưng ta không học được điều gì về chính mình. Không biết nổi lửa nấu cơm, không biết loại cây nào ăn được, chay ngay đi gặp bác sĩ khi bị bệnh mà bác sĩ thì rất bận rộn. Ốm là chuyện thường, sao ta không học cách tự chăm sóc bản thân.Thứ liên quan trực tiếp đến mình lại không học. Ta học về chất phóng xạ, uranium mà lại không biết gì về bột ngọt - hạt nêm (MSG), thứ ta cho vào mồm mỗi ngày. Nền giáo dục đang gây ra tổn hại lớn. Nhiều người mất đi cơ hội một cách đau xót. Điều này làm tôi nghĩ nhiều đến con mình. Khi đó, nó đang chuẩn bị vào thế giới này. Tôi không muốn nó giống những trẻ khác. Khi tôi thấy con nít đi học, thấy chúng đến trường, giống như nhìn chúng đi vào cái nhà máy, để bị chế biến thành những sản phẩm công nghiệp, đạt chuẩn công nghiệp giống y nhau. Đối với con tôi, điều quan trọng nhất phải được dạy, ít nhất phải được dạy là khả năng tự chăm sóc bản thân. Tự lo liệu được 4 yếu tố cần thiết cho cuộc sống: thức ăn, chỗ ở, nhu yếu phẩm và thuốc. Đây là những bài học cốt lõi cho cuộc sống mà ta cần học.
Nếu mỗi người đều có nền tảng tốt, không còn chỗ cho nỗi sợ. Ta sống cuộc đời đầy tự hào. Nhưng hệ thống giáo dục bây giờ đã chia cắt chúng ta khỏi những phần này. Không ai được học về 4 yếu tố cần thiết này cả. Thế nên ta đầy sợ hãi, khi ta tốt nghiệp. Tất cả đều cảm thấy như chưa học gì. Ta chẳng biết gì, đúng không? Ta mất phương hướng, bất an và sợ hãi. Rồi tuyệt vọng đi tìm sự đảm bảo. Bạn nghĩ ngay đến tiền. Một con thiêu thân lao vào làm việc cật lực xuất hiện, dành cả đời để làm việc.
Những thứ trên khiến tôi nghĩ về lối giáo dục khác. Ở Thái Lan, chúng ta có thể cho con học ở nhà, thủ tục rõ ràng. Bạn cần liên hệ với cơ quan giáo dục địa phương, soạn thảo chương trình, nộp cho họ và có thể dạy khi được duyệt. Để làm hài lòng Bộ Giáo Dục, bạn cứ soạn thảo bất cứ chương trình nào cũng được. Còn sau đó ta có thể dạy kiểu khác, như cách tôi dạy con tôi. Tôi dạy nó cách trồng rau. Phân chia khu vườn là cách để dạy nó toán, khoa học cũng như tay nghề và công nghệ. Sau đó là vài tiếng mỗi ngày để dạy tiếng Thái, tiếng Anh. Ngoài việc đó, tất cả là sinh hoạt hằng ngày tôi không cần phải dạy chút nào. Con tôi tự xoay sở được. 9 tuổi, nó đã có nhà riêng - ngôi nhà mà nó tự xây lấy. Từ hồi nó sinh ra, tôi cho nó chưa đến 10 món đồ chơi. Con tôi ít khi muốn đồ chơi bởi vì nó luôn tìm thấy trò chơi ngoài vườn. Nếu muốn có thứ gì nó thường tự kiếm tiền mua. Nó từng làm bánh để bán lấy tiền mua LEGO. Nó từng làm đèn pin từ pin điện thoại cũ rồi đem bán với giá 150 Baht. Đó là những việc nó đã làm được. Tôi gần như không cần chi trả cho nó cái gì cả. Mọi thứ thật nhẹ nhàng cho cả tôi và nó.
Bây giờ nó 11 tuổi, đang tự thiết kế nhà mình, và có thể tự làm nhiều thứ. Chỉ 4 yếu tố để nó biết cách tự lo cho nó, và sau đó thì người làm cha mẹ như tôi có thể ra đi trong thanh thản. Con đã có thể sống được rồi.
Tonkla, bạn của con tôi. Tonkla 13 tuổi. Tự học ở nhà. Ngay từ đầu, môn học chủ yếu là chăn vịt. Bố cậu làm vườn, cậu chăn vịt. Hai năm trước, Tonkla đi Mỹ với con tôi. Chúng không cần xin người lớn 1 đồng. Nó kiếm được 60.000 Baht, vé máy bay và các chi phí khác từ bán trứng vịt.
Rõ ràng giáo giục không cần phải là khó khăn, là đấu đá, xếp hạng, ganh đua căng thẳng. Không cần phải là gánh nặng cho cả bố mẹ lẫn con cái, cho chính phủ, cho ngân sách. Nó phải dễ, vui và không gây nản lòng. Con trẻ nên học cái mà nó sẽ dùng trong đời, đó mới là cách giáo dục tạo ra sự bền vững. Một cuộc đời hạnh phúc, tự hào.
Nền giáo dục hiện nay ta phải phụ thuộc quá nhiều thứ. Nên giờ chúng ta phải tự tạo ra các bài học thôi. Ta cần những ý tưởng kì diệu, sự đa dạng, bền vững. Nền giáo dục mà chịu sự kiểm soát chặt chẽ, chỉ để đào tạo ra những cách nghĩ giống nhau, ý tưởng, hành động giống nhau sẽ dẫn chúng ta đến thất bại. Sự đa dạng đem lại sự đảm bảo và bền vững. Đa dạng là vẻ đẹp. Nền giáo dục cần được thoát khỏi sự kiểm soát của Bộ Giáo Dục. Xin đừng để giáo dục trở thành 1 ngành công nghiệp. Xã hội cần con người còn ngành công nghiệp chỉ tạo ra những cỗ máy biết làm việc. Nó nên là quyền của con người. Các cộng đồng phải có chương trình riêng để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của mình. Chứ không phải gồng mình bên trong một hệ thống.
Ta có nên tiếp tục hành hạ con trẻ mình nữa không? Hay ta sẽ tìm một giải pháp thay thế. Cám ơn các bạn rất nhiều!