Hiện nay nhiều người lo lắng về khủng hoảng lương thực và nhiều người ở một số quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng lương thực trầm trọng. Mọi người cho rằng nguyên nhân của khủng hoảng lương thực đến từ chiến tranh - Nga Ukraina. Nhưng đó không phải là nguyên nhân thực sự. Chính mỗi chúng ta mới là yếu tố gây nên khủng hoảng lương thực. Khủng hoảng lương thực ngày nay là kết quả của cả một quá trình đã diễn ra từ lâu rồi, và nó chỉ đang đợi đúng thời điểm để bùng phát thôi.
Chiến tranh Ukraina chỉ đang xảy ra ở một khu vực rất nhỏ, nó không phải là nguồn gốc của khủng hoảng lương thực. Có 2 nguyên nhân chính gây nên khủng hoảng lương thực:
Thứ nhất là do biến đổi khí hậu. Trong quá khứ đã có rất nhiều sự sống biến mất khi biến đổi khí hậu xảy ra. Trong xã hội hiện đại, chúng ta đang ngày càng tạo ra nhiều vấn đề về khí hậu hơn. Cách chúng ta sống đã tạo ra tác động lớn cho hệ sinh thái. Tự nhiên đã không còn cân bằng nữa vì chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, theo cách rất thiếu bền vững. Điều này khiến khủng hoảng lương thực diễn ra nhanh hơn và khốc liệt hơn.
Thứ hai là do cấu trúc nền kinh tế mà chúng ta đã tạo ra. Những tầng lớp đang đứng đầu nền kinh tế, đặc biệt là những con người độc tài. Họ rất thích việc tạo ra một chút khủng hoảng cho quốc gia. Khủng hoảng được họ dùng như một lý do để kiểm soát con người, như thế thì quyền lực của họ sẽ lớn hơn và duy trì được lâu hơn. Hãy nhìn về lịch sử một chút, nhìn về Stalin... Tại nhiều quốc gia, thực phẩm như là môt công cụ để duy trì quyền lực. Hệ thống kinh tế này đã tạo cơ hội cho một nhóm nhỏ người độc quyền thức ăn, độc quyền thị trường thực phẩm. Bốn tập đoàn ADM, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus đang cùng nhau kiểm soát khoảng 70% giao dịch ngũ cốc toàn cầu. Những ông lớn có quyền quyết định ngày mai thế giới sẽ ăn cái gì. Những tập đoàn này sở hữu hạt giống, sở hữu thực phẩm và họ huấn luyện chúng ta ăn những thứ mà họ sở hữu.
Ví dụ tại Mỹ, những tập đoàn này sở hữu ngô, lúa mì, đậu nành. Họ tập trung sở hữu 3 loại lương thực này và huấn luyện mọi người ăn những loại thực phẩm được chế biến từ 3 loại này. Tại các siêu thị, hầu hết các loại thực phẩm đều được chế biến từ ngô. Và như vậy sẽ dễ cho họ để tạo ra lợi nhuận, dễ để kiểm soát thị trường hơn. Khi mọi người có thói quen chỉ ăn ngô hay lúa mì, họ chỉ cần sở hữu hạt giống của những loại này. Nếu mọi người có thói quen ăn cả trăm loại thực phẩm khác nhau, thì họ không thể sở hữu cả hàng trăm loại hạt giống được, nó quá nhiều! Đây là lý do mà họ muốn chúng ta ăn ngày càng ít các loại thực phẩm với số lượng nhiều hơn. Đây là cách mà họ kiểm soát lương thực, là nguyên nhân của khủng hoảng lương thực. Và khi chỉ một loại cây được trồng trên một vùng đất cực lớn, nó gây nên sự mất cân bằng hệ sinh thái, làm giảm sự đa dạng sinh học...
Kết quả là chúng ta có ít sự lựa chọn hơn. Chúng ta đã từng ăn rất nhiều loại cá, rất nhiều loại vịt gà, rất nhiều loại heo, hàng trăm loại rau củ theo mùa. Nhưng giờ đây hàng trăm triệu người chỉ ăn một loại cá, một loại thịt heo... Loại mà cho sản lượng kinh tế cao nhất. Chúng ta ăn ít hơn 5 loại rau củ mỗi ngày. Và khi có một bệnh nào đó liên quan đến gà, chúng ta không có thịt gà để ăn trên toàn đất nước. Đó chính là khủng hoảng. Khi có chuyện xảy ra với mấy con lợn, giá thịt lợn tăng chóng mặt khiến nhiều người không thể mua được. Đó chính là khủng hoảng. Độc quyền lương thực là nguyên nhân chính tạo nên khủng hoảng. Mọi thứ đã tích lũy từ rất lâu rồi và nó chỉ cần đợi đến một điểm để bùng vỡ - chiến tranh, dịch bệnh.
Khủng hoảng lương thực xảy ra bởi vì chúng ta đã không còn tự chủ lương thực, không còn dựa vào chính mình. Giải pháp là thay vì sợ hãi khủng hoảng lương thực, chúng ta chỉ cần quay lại truyền thống, tự chủ lương thực, học cách ăn đa dạng các loại thực phẩm hơn, ăn nhiều hơn những thứ mà các tập đoàn đã huấn luyện thói quen của chúng ta. Đừng chỉ ăn vài loại từ ngày này qua ngày khác. Chỉ mất vài tháng, bạn có thể học được cách tự nuôi trồng hàng tá các loại thực phẩm. Khi thực phẩm lớn lên đầy rẫy xung quanh bạn, bạn sẽ ít sợ hãi, ít lo lắng về thức ăn hơn. Và khi chiến tranh ở đâu đó xảy ra làm đứt chuỗi cung ứng khiến thực phẩm không được nhập khẩu, chúng ta vẫn có hàng tá thứ để ăn. Khủng hoảng lương thực sẽ không xảy đến nếu ta biết tự lực. Mỗi quốc gia cần tự chủ lương thực, mỗi cá nhân lại càng cần phải tự chủ lương thực. Không liên quan đến công việc của bạn, nó chỉ cần trở thành thói quen mà bạn làm hằng ngày. Không tốn quá nhiều thời gian của bạn đâu! Chỉ khoảng một tiếng một ngày, bạn đã có thể trồng đủ loại thực phẩm để nuôi cả gia đình.
Mọi người đã không còn suy nghĩ tự chủ. Họ chỉ có suy nghĩ là phải phụ thuộc vào tiền - nếu có tiền, bạn có thể mua mọi thứ, đó là điều mọi người tin vào. Không ai còn quan tâm đến việc trồng lương thực, chúng ta chỉ việc phụ thuộc vào bất cứ thứ gì được bán trong siêu thị. Tại nhiều nước phát triển, ngay cả khi mọi người có vài cây táo trong vườn thì họ cũng không ăn mà cứ để táo rụng đầy đất. Vì họ không biết nó có ăn được không? Nó có đủ sạch không? Không biết làm sao để ăn nó. Họ chỉ tin vào thứ mà các công ty và chính phủ dạy họ ăn. Tại sao lại để thực phẩm rụng đầy đất và thối rữa rồi lại đi mua những thứ đó ở siêu thị? Với lối tư duy như thế này thì khủng hoảng lương thực sẽ xảy ra ở mọi nơi.
Không có gì xấu cả khi phụ thuộc vào nền kinh tế tiền tệ, nó khiến cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn. Nhưng chúng ta cũng cần phải có những lựa chọn khác nữa. Hãy quay về và học cách làm sao để trồng trọt, để biết cái gì có thể ăn, để tự chủ về lương thực. Đây chính là giải pháp và chúng ta sẽ không còn phải lo về khủng hoảng lương thực nữa.
Ai kiểm soát lương thực sẽ kiểm soát con người;
Ai kiểm soát năng lượng sẽ kiểm soát cả lục địa;
Ai kiểm soát tiền tệ có thể kiểm soát cả thế giới.
- Henry Kissinger, 1973"