Mọi đứa trẻ đều sinh ra với tiềm năng phi thường. Chúng ở trạng thái vô trí. Với một cái não trống trơn chúng học mọi thứ rất nhanh. Hãy xem cách chúng tự học nói thì biết, còn bạn thì phải cần thầy dạy và mất bao lâu để học thêm một ngôn ngữ. Đầu óc chúng đầy sự tò mò ham học. Chúng hiếu học một cách rất tự nhiên với niềm đam mê thực sự. Không cần ai phải ép buộc. Những đứa trẻ luôn hỏi: "Cái này là cái gì? Tại sao lại cái này? Tại sao lại như thế kia". Và người lớn thấy phiền. Người lớn nói: "Không! Hãy im lặng". La nó. Nó sợ. Không có sự ham học và tò mò sáng tạo khi có sự sợ hãi. Đây là cái được gọi là người lớn. Người lớn với tâm trí chưa trưởng thành và vô nhận biết.

Và sự tai hại thực sự xảy ra khi chúng bị ép tới trường. Chúng bị ép vì hiếm đứa trẻ nào đam mê tới nhà trường cả. Chúng ham học hỏi theo cách của chúng, nhưng tuyệt đối không phải cách của nhà trường. Người lớn, nhà trường, giáo viên giết tiềm năng của chúng, giết sự thông minh của chúng. Vì giáo dục ấy không có tự do. Những gì chúng được học trong nhà trường là cấm và phạt. Cấm không được làm cái này không được làm cái kia. Cấm không được chạy nhảy, cấm nhìn ra cửa sổ, cấm ăn mặc cá tính, cấm không được nói chuyện, cấm không được chạy ra khỏi lớp vì có mấy con sóc chạy ngang qua nhìn vui quá… Nếu không em sẽ bị phạt. Có gì tội lỗi ở đây mà phải phạt? Phạt những đứa bé ngây thơ? Hình phạt là dành cho tội lỗi, xâm hại.

Trong người nó đang tràn trề năng lượng và nó không thể ngồi im được. Hãy quan sát trẻ khi chúng trong trạng thái tự nhiên nhất thì biết. Nó không muốn ngồi đó nhưng nó không có khả năng tự nuôi sống. Mạng sống của nó phụ thuộc vào cha mẹ. Và nó biết hậu quả của việc không nghe lời. Để tồn tại, nó phải đeo lên cái mặt nạ, phải giết chết sự tò mò của mình, giết chết niềm đam mê của mình, giết chết những câu hỏi, thắc mắc vì chẳng liên quan đến bài giảng nên không được phép hỏi. Cuối cùng chúng tự giết chết sự thông minh, sáng tạo của mình. Tất cả những gì chúng được dạy là im lặng, nghe lời và lặp lại y như con vẹt. Sự sáng tạo nào, đam mê nào có thể được phát triển với lối giáo dục con vẹt chứ.

Trường học không dạy chúng cách đam mê làm thứ gì - Mà bản thân chúng cũng đã có sẵn sự say mê rồi không cần ai phải dạy cả, chúng chỉ cần môi trường để nảy mầm thôi. Nhưng nhìn những khuôn mặt ngán ngẩm của giáo viên thì làm sao những hạt mầm đó nảy nở được. Hãy tạo ra những tình huống để chúng có thể học tập chứ đừng bắt ép chúng học. Đó là xấu xa, là cách giết chết niềm đam mê nhanh nhất. Muốn chúng học Tiếng Anh? Hãy cho chúng giao lưu với lũ trẻ nước ngoài, cho chúng đi du lịch. Muốn chúng học tính toán? Làm bánh ngọt với chúng, để chúng giúp cân đong nguyên liệu, chia bánh cho mọi người. Khi trẻ em thấy cần thiết, thấy hứng thú, chúng sẽ tự học mà chẳng cần phải nhắc. Còn chúng vẫn cứ nhất quyết để bản thân dốt nát ư? Thế thì cứ kệ bà chúng nó. Ít nhất thì nó cũng đã học được bài học rằng phải tự chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn vì chẳng có ai bắt ép nó cả. Nó không thể đổ lỗi cho ai được. Đó là cách nó tự trưởng thành.

Đi học giống như một cực hình với lũ trẻ. Nếu chúng có khả năng tự lập, tự nuôi sống bản thân. Có lẽ chúng đã nổi loạn hết. Chống lại cha mẹ chúng và dẹp bỏ cái nhà trường ấy. Tôi đã nhìn thấy những đứa trẻ khóc lóc, lê lết đến trường như là lê lết vào trong nhà tù. Và đôi mắt của chúng hân hoan vui mừng khi có bất cứ một ngày nào mà người lớn cho phép chúng không phải đến cái nơi ấy. Đó là cái thể loại giáo dục gì vậy? Giáo dục gì mà đã không khơi gợi được niềm đam mê của trẻ thì thôi đi, mà lại là cơn ác mộng với trẻ em? Có gì đó rất sai ở đây. Khi còn nhỏ, đứa trẻ nào cũng đầy hân hoan và vui thú trong đôi mắt nó, nhưng khi lớn lên thì dần biến mất. Không phải tự nhiên biến mất. Là chúng ta làm ra điều đó.

Trong một nghiên cứu được mô tả trong cuốn "Originals - how conformists move the world" Kết luận thế này:

"Mặc dù những đứa trẻ thần đồng thường giàu có cả về tài năng và hoài bão, nhưng điều kìm hãm chúng không thể thay đổi cả thế giới là chúng không biết cách trở nên độc đáo, khác biệt. Cho nên, khi chúng biểu diễn tại Sảnh đường Carnegie, giành chiến thắng trong các kỳ thi Olympic khoa học, trở thành nhà vô địch cờ vua, thì bi kịch lại xảy ra. Đó là: "Việc tập luyện giúp chúng trở nên hoàn hảo hơn, nhưng lại không tạo ra những điều mới mẻ. Chúng được học những giai điệu lấp lánh của Mozart và các bản giao hưởng tuyệt đẹp của Beethoven, nhưng bản thân chúng không bao giờ có thể tự sáng tác được những bản nhạc độc đáo. Chúng tập trung năng lượng để tiếp thu những kiến thức khoa học có sẵn, nhưng không sáng tạo ra những khái niệm mới. Chúng thích nghi với những quy tắc hệ thống hóa các trò chơi đã được lập trình sẵn, thay vì sáng tạo nên những luật chơi mới. Trên đường đời, chúng nỗ lực để nhận được sự hài lòng của cha mẹ và sự khen ngợi của thầy cô.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những đứa trẻ sáng tạo nhất là những đứa trẻ ít có khả năng trở thành học trò cưng của các giáo viên. Trong một nghiên cứu, các giáo viên tiểu học liệt kê những học sinh họ ưa thích nhất và ít ưa thích nhất, sau đó đánh giá hai nhóm qua một danh mục các tính cách. Các học sinh thuộc nhóm ít được ưa thích nhất là những trẻ không vâng lời, chúng tự tạo ra quy tắc cho chính chúng. Các giáo viên có khuynh hướng phân biệt đối xử hơn với những học sinh có tính sáng tạo cao, gắn mác chúng là những đứa trẻ rắc rối. Để “tồn tại” trong lớp, những đứa trẻ đó nhanh chóng học cách thích ứng với chương trình học giáo viên đề ra, nhưng vẫn giữ những ý tưởng độc đáo của riêng mình. Nói theo William Deresiewicz, chúng sẽ trở thành những chú cừu xuất sắc nhất hành tinh."

Bi kịch ở đây là lối giáo dục của nhà trường khiến giáo viên vô ý trở thành tội nhân khi biến ngay cả những thần đồng xuất chúng thành những kẻ tầm thường. Và nhường lại hào quang tạo ra những điều phi thường cho những đứa trẻ cá biệt, ngổ ngáo không nghe lời.

Trường học là nơi đặt nền móng cho số phận sau này của những đứa trẻ, từ đó là số phận của cả xã hội. Vì quá quan trọng như thế, nó phải được xây dựng trên nền tảng thấu hiểu, quan tâm, yêu thương và khơi gợi đam mê của lũ trẻ chứ không phải thưởng và phạt. Nó nên là thiên đường chứ không phải địa ngục, là tự do chứ không nên là nhà tù. Là nơi mỗi đứa trẻ háo hức muốn đến mỗi sớm mai thức dậy chứ không phải là ác mộng mà chúng muốn tránh xa. Là hợp tác cùng phát triển chứ không phải là chạy đua thành tích và tranh đấu xem ai đứng nhất. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ có một thế hệ tuyệt vời hơn chúng ta rất nhiều; một xã hội tốt đẹp hơn rất nhiều. Nếu không làm được như thế thì mỗi phụ huynh nên can đảm dẹp bỏ cái ngôi trường ấy khỏi cuộc đời những đứa trẻ và cho chúng học tại nhà. Home schools.

một nửa sự thật.