Chúng ta - những bậc làm cha mẹ không hề yêu đứa trẻ. Thực tế là vì chúng ta bị mất động lực sống, cuộc sống đang chơi vơi không biết bám víu vào cái gì. Thế là chúng ta nghĩ: "Mình sẽ phải có con, nó sẽ là mục đích sống của mình. Là chỗ dựa tinh thần cho mình". Làm sao bạn có thể yêu thứ chưa xuất hiện được. Có thể bạn sẽ bắt đầu yêu đứa bé vào một ngày nào đó trong tương lai nhưng chắc chắn không phải bây giờ. Thực tế chúng ta chỉ đang yêu những ảo tưởng mà ta vẽ ra: "Nó sẽ là một đứa bé ngoan lễ phép. Nó sẽ thông minh kháu khỉnh lắm đây. Nó sẽ khiến mình hạnh phúc, rồi lớn lên nó sẽ làm mình tự hào lắm đây. Nó sẽ là một sự đảm bảo cho mình nương tựa khi mình già...". Đủ các ảo tưởng trong đầu. Tôi không thấy tình yêu nào ở đây cả, từ đầu đến cuối chỉ toàn là lòng tham của người lớn. Và thế là chúng ta đơn phương ép buộc đứa trẻ bước vào thế giới này.
Ôi thật tội nghiệp cho đứa bé! Nó đã bị bóc lột tinh thần ngay từ khi còn chưa chào đời. Một đống gánh nặng nghĩa vụ mà người lớn sẽ đặt lên đôi vai bé bỏng, "Mày phải vào trường này, phải đạt được thành tích này, phải làm công việc này, phải kết hôn đi để tao có cháu bế...". Chung quy lại là phải làm chúng ta hãnh diện nở mày nở mặt. Nhưng đứa bé không được phép từ chối, nó không có quyền chui ngược lại. Nó bắt buộc phải chào đời. Và bắt buộc phải gánh lên vai lòng tham của cha mẹ dưới danh nghĩa tình yêu. Y như người phụ nữ ngày xưa phải gánh tam tòng tứ đức cả cuộc đời.
Tất nhiên đứa bé sẽ học theo cha mẹ nó rất nhanh và rồi một ngày cũng trở thành người lớn. Nó cũng lại lặp lại một kiểu y như thế. Xã hội sẽ lại tiếp diễn y thế.
Thực tế không phải đứa bé nên cám ơn cha mẹ; mà chính cha mẹ nên cám ơn đứa bé vì đã đưa nó đến thế giới này để làm chỗ dựa tinh thần cho họ. Trở thành mục đích sống của họ khi đang chơi vơi không biết bám víu vào đâu. Để tâm trí họ có cái bận rộn mà không bị trống rỗng điên loạn. Những gì tôi nói chắc chắn sẽ gây khó chịu vì nó đánh vào cái tôi to lớn của xã hội. Cái tôi xấu xí dưới những từ ngữ mỹ miều đẹp đẽ. Công ơn sinh thành dưỡng dục? Đứa bé đâu có cầu xin năn nỉ bạn phải đẻ nó? Là chúng ta ép buộc nó đến đây mà không cần sự đồng ý của nó. Thế nên ta đương nhiên phải nuôi nó đến khi nó có thể tự sống sót. Phải báo hiếu vì tao đã nuôi mày? Đây là kiểu tình yêu gì thế này? Nó đơn giản chỉ là một thương vụ, một cuộc trao đổi. Nếu thế thì cha mẹ đừng nên trốn tránh dưới những ngôn từ mỹ miều. Hãy làm mọi thứ cho rõ ràng, tốt nhất hãy đưa mọi thứ về đúng bản chất của nó: "Hợp Đồng Báo Hiếu". Như thế thì con bạn mới không thể trốn được.
Nếu bạn đọc được bài viết này. Ít nhất hãy một lần trong đời thành thật với con của mình và dành cho nó tình yêu thật sự:
"Con à! Chúng ta - với sự vô nhận biết đã bóc lột tinh thần con quá lâu. Bây giờ hãy lao ra ngoài kia, sống cuộc sống mà con khao khát. Trở thành bất cứ kiểu người nào mà con muốn trở thành. Chúng ta sẽ không đặt bất cứ gánh nặng nghĩa vụ gì lên đôi vai của con nữa. Chúng ta già dặn hơn, kinh nghiệm sống phong phú và tài chính vững chắc hơn con. Chúng ta có thể tự sống tốt được. Ta sẽ không bao giờ là gánh nặng của con. Nhưng con phải nhớ: "tự do nghĩa là tự chịu trách nhiệm với chính bản thân". Từ giờ trở đi mọi hành động, mọi hậu quả mà con tạo ra con phải tự gánh lấy."
Nếu bạn để đứa bé lớn lên trong bầu không khí ngập tràn tình yêu và niềm vui. Khi lớn nó sẽ tự nhiên muốn ở bên bạn, muốn chăm sóc bạn. Vì nó biết bạn là suối nguồn niềm vui, những giây phút bên bạn là những lúc ấm cúng yên bình nhất. Còn nếu bạn để nó lớn lên bằng những lời mắng nhiếc so sánh, bằng những ham muốn của mình:
"Mày nhìn con nhà ông này con nhà bà kia mà học."
"Con nhà người ta kìa, con nhà mình thì."
"Mày phải vào trường này...
Phải làm công việc ổn định như này...
Phải lấy vợ kiểu này..."
Thế thì đừng hỏi tại sao con bạn lại lạnh nhạt và tránh xa bạn. Vì bạn xứng đáng. Cho dù nó muốn báo hiếu thì bạn cũng nên tự thấy hổ thẹn mà từ chối.
"Mỗi lần mẹ mắng cháu, mẹ sẽ mắng mãi không dứt. Khi muốn cháu làm gì, mẹ lặp đi lặp lại cho đến khi cháu buộc phải làm thì thôi. Dù cháu không muốn nhưng buộc phải làm để mẹ đừng nói nữa. Khi cháu mắc lỗi mẹ phân tích dài lắm. Nói mãi nói mãi… Riết cháu sợ mẹ dần tránh xa mẹ, chẳng hiểu sao nghe nhiều quá bị nhờn ý. Giờ mỗi khi mẹ bắt đầu nói, trong đầu cháu sẽ nghĩ đến thứ khác, không để tâm mẹ nói gì nữa. Cháu còn bắt đầu tức và cãi mẹ. Thế là mẹ bảo cháu mất dạy". - Lời tâm sự của một đứa bé lớp 8.