C.S. Lewis đã chia tình yêu thành hai loại này: 'tình yêu-nhu cầu' và 'tình yêu-ban tặng'. Abraham Maslow cũng chia tình yêu thành hai loại. Loại thứ nhất ông ấy gọi là 'tình yêu-khiếm khuyết' và loại thứ hai ông ấy gọi là 'tình yêu-hiện hữu'. Phân biệt này là có ý nghĩa và cần phải được hiểu.

Bởi vì Tiếng Anh không có từ nào để diễn đạt hai trạng thái này nên mới loằng ngoằng thế. Nhưng Tiếng Việt thì có, đó là điều kỳ diệu của Tiếng Việt. Tôi gọi cái đầu tiên là Tham Ái - nó vừa có tham vừa có ái, còn cái sau là Tình Yêu - tình yêu đích thực, thuần khiết.

Tham ái phụ thuộc vào người khác; nó là tình yêu chưa trưởng thành. Thực tế nó không phải là tình yêu thực - nó là nhu cầu. Bạn dùng người khác, bạn dùng người khác làm phương tiện. Bạn khai thác, bạn thao túng, bạn chi phối. Nhưng người kia bị thu lại, người kia gần như bị phá hủy. Và đích xác cùng điều đó được người kia thực hiện. Người đó đang cố gắng thao túng bạn, chi phối bạn, sở hữu bạn, dùng bạn. Dùng người khác là điều rất không có tình. Cho nên điều đó chỉ có vẻ như là yêu thôi; nó là đồng tiền giả. Nhưng đây là điều xảy ra cho gần chín mươi chín phần trăm mọi người, bởi vì bài học đầu tiên về tình yêu mà bạn đã học là từ thời thơ ấu của mình:
"Đứa trẻ được sinh ra, nó phụ thuộc vào người mẹ. Tình yêu của nó hướng tới mẹ là 'tình yêu-khiếm khuyết' - nó cần mẹ, nó không thể sống sót nếu không có mẹ. Nó yêu mẹ bởi vì mẹ là cuộc sống của nó. Thực tế đấy không phải là tình yêu thực - nó sẽ yêu bất kì người đàn bà nào, bất kì ai sẽ bảo vệ nó, bất kì ai sẽ giúp nó sống sót, bất kì ai sẽ đáp ứng nhu cầu của nó. Người mẹ là một loại thức ăn mà đứa bé ăn. Không chỉ sữa nó lấy từ mẹ, nó lấy cả tình yêu nữa - và điều đó nữa cũng là nhu cầu. Hàng triệu người vẫn còn là đứa trẻ cả đời mình; họ chẳng bao giờ trưởng thành. Họ lớn về tuổi tác nhưng họ chẳng bao giờ trưởng thành trong tâm trí mình; tâm lí của họ vẫn còn vị thành niên, chưa trưởng thành. Họ bao giờ cũng cần tình yêu, họ khao khát nó như thức ăn."

Con người trở nên trưởng thành vào lúc người đó bắt đầu yêu thay vì cần. Người đó bắt đầu tuôn chảy, chia sẻ; người đó bắt đầu cho. Sự nhấn mạnh là khác biệt hoàn toàn. Với loại thứ nhất, nhấn mạnh là vào cách lấy được nhiều hơn. Với loại thứ hai, nhấn mạnh là vào cách cho, cách cho nhiều hơn và cách cho vô điều kiện. Đây là trưởng thành, chín chắn, xảy tới cho bạn. Người trưởng thành cho. Chỉ người trưởng thành mới có thể cho, bởi vì chỉ người trưởng thành mới có điều đó. Khi đó tình yêu là không phụ thuộc, bạn có thể yêu cho dù người kia có hay không. Thế thì tình yêu không phải là mối quan hệ, nó là trạng thái.

Khi bạn phụ thuộc vào người khác, bao giờ cũng có khổ. Khoảnh khắc bạn phụ thuộc, bạn bắt đầu cảm thấy khổ bởi vì phụ thuộc là nô lệ. Thế thì bạn bắt đầu báo thù theo những cách tinh vi, bởi vì người mà bạn phải phụ thuộc vào trở thành có quyền lực trên bạn. Không ai thích bất kì ai có quyền trên mình, không ai thích bị phụ thuộc bởi vì phụ thuộc giết chết tự do. Và tình yêu không thể nở hoa trong phụ thuộc được - tình yêu là bông hoa của tự do; nó cần không gian, nó cần không gian tuyệt đối. Người kia phải không can thiệp vào nó. Điều đó là rất tinh tế.

Khi bạn phụ thuộc, người khác chắc chắn sẽ chi phối bạn, và bạn sẽ cố gắng chi phối người khác. Đó là cuộc đấu tranh cứ diễn ra giữa cái gọi là những người yêu nhau. Họ là những kẻ thù thân thiết, liên tục tranh đấu. Chồng và vợ - họ đang làm gì? Yêu thương là rất hãn hữu; đấu tranh là quy tắc, yêu là ngoại lệ. Và theo đủ mọi cách họ cố gắng chi phối - ngay cả qua tình yêu họ cũng cố gắng chi phối. Nếu chồng yêu cầu vợ, vợ từ chối, cô ấy không tự nguyện. Cô ấy rất khổ: cô ấy cho nhưng rất miễn cưỡng, cô ấy muốn bạn vẫy đuôi quanh cô ấy. Và đấy cũng là trường hợp với anh chồng. Khi cô vợ thấy cần và đề nghị anh ta, chồng nói rằng anh ta mệt. Trong văn phòng có quá nhiều công việc, anh ta thực sự bị quá tải, và anh ta muốn đi ngủ.

Bây giờ đây là nghịch lý: những người rơi vào tình yêu chẳng có tình yêu nào, đó là lí do tại sao họ lại rơi vào tình yêu. Và bởi vì họ không có tình yêu gì, nên họ không thể cho được. Và một điều nữa - người chưa trưởng thành bao giờ cũng rơi vào tình yêu với người chưa trưởng thành khác, bởi vì chỉ họ mới có thể hiểu ngôn ngữ của nhau. Người trưởng thành yêu người trưởng thành. Người chưa trưởng thành yêu người chưa trưởng thành. Bạn có thể cứ đổi chồng hay đổi vợ cả nghìn lẻ một lần, bạn sẽ lại tìm thấy cùng kiểu đàn bà và cùng khổ được lặp lại - dưới các dạng khác nhau, nhưng cùng khổ được lặp lại, nó gần như là một. Bạn có thể đổi vợ mình, nhưng bạn lại không thay đổi - bây giờ ai sẽ chọn vợ mới? Bạn sẽ chọn. Việc chọn lựa sẽ lại tới từ sự chưa trưởng thành của bạn. Bạn sẽ lại chọn một kiểu đàn bà tương tự.

Làm sao bạn có thể chi phối được người bạn yêu? Nghĩ kĩ về điều đó - chi phối là một loại hận thù, giận dữ, thù địch. Làm sao bạn có thể nghĩ tới việc chi phối người bạn yêu? Bạn sẽ thích thấy người này tự do toàn bộ, độc lập; bạn sẽ cho người đó nhiều tính cá nhân hơn. Đó là lí do tại sao tôi gọi nó là nghịch lí lớn lao nhất: họ ở cùng nhau nhiều tới mức họ gần như là một, nhưng vẫn trong cái một đó họ là các cá nhân. Tính cá nhân của họ không bị xoá đi - chúng đã trở nên được nâng cao lên. Người kia đã làm giầu thêm chúng khi có liên quan tới tự do của họ.

Người chưa trưởng thành rơi vào tình yêu thì phá huỷ tự do của người khác, tạo ra tù túng, làm ra nhà tù. Người trưởng thành trong tình yêu thì giúp đỡ lẫn nhau để được tự do; họ giúp lẫn nhau để phá bỏ mọi loại tù túng. Và khi tình yêu tuôn chảy cùng tự do, có cái đẹp. Khi tình yêu tuôn chảy cùng phụ thuộc thì sẽ có xấu xí.

Bạn không ghét người đàn ông bạn yêu sao? Bạn không ghét người đàn bà bạn yêu sao? Bạn ghét đấy! Đó là điều ác cần thiết, bạn phải dung thứ nó. Bởi vì bạn không thể một mình được nên bạn phải xoay xở để ở cùng ai đó, và bạn phải điều chỉnh theo đòi hỏi của người khác. Bạn phải dung thứ, bạn phải chịu đựng họ.

từ OSHO - Trưởng thành - trách nhiệm là chính mình.