Người sợ chết không thể sống trong tình yêu với cuộc sống được, bởi vì chính cuộc sống chung cuộc đưa bạn tới cánh cửa của cái chết. Làm sao bạn có thể yêu cuộc sống được? Chính bởi lý do này mà tất cả các tôn giáo đã bắt đầu từ bỏ cuộc sống: từ bỏ cuộc sống bởi vì đó là cách duy nhất để từ bỏ cái chết. Nếu bạn không sống cuộc sống, nếu bạn đã bị kết thúc với việc sống, yêu, nhảy múa, ca hát, thế thì một cách tự nhiên bạn không cần sợ chết; bạn đã chết rồi.
Chúng ta đã gọi những người chết rồi này là thánh nhân; chúng ta đã tôn thờ họ. Chúng ta đã tôn thờ họ bởi vì chúng ta biết chúng ta cũng muốn giống họ, mặc dầu chúng ta không có nhiều dũng cảm đến thế. Ít nhất chúng ta có thể tôn thờ và biểu lộ sự chú ý của mình: "Nếu chúng tôi dũng cảm hay một ngày nào đó nếu chúng tôi thu được lòng dũng cảm, chúng tôi cũng sẽ giống ông ấy: chết hoàn toàn." Thánh nhân không thể chết được bởi vì người đó đã chết rồi. Người đó đã từ bỏ mọi khoái lạc, mọi niềm vui; tất cả những cái mà cuộc sống dâng cho, người đó đã bác bỏ. Người đó đã trả lại vé cho sự tồn tại khi nói, "Tôi không còn là một phần của vở diễn nữa." Người đó đã nhắm mắt lại.
Có lần chuyện xảy ra một người gọi là thánh nhân tới thăm tôi. Tôi đưa ông ấy ra vườn - có biết bao nhiêu là hoa thược dược, và tôi chỉ cho ông ấy những bông hoa đẹp đó trong ánh mặt trời buổi sáng. Ông ấy nhìn tôi rất kì lạ, có chút ít bực dọc, cáu bẳn, và ông ấy không thể cưỡng lại được cám dỗ lên án tôi, khi nói, "Tôi cứ tưởng ông là người tôn giáo kia... mà ông thì vẫn thích thú vẻ đẹp của hoa sao?"
Về một điểm nào đó thì ông ấy phải, rằng nếu bạn thích thú cái đẹp của hoa thì bạn không thể né tránh được việc thích thú cái đẹp của con người. Bạn không thể tránh được việc thích thú đàn bà; bạn không thể tránh được việc thích thú cái hay của âm nhạc và điệu vũ. Nếu bạn quan tâm tới cái đẹp của hoa, bạn đã biểu lộ rằng bạn vẫn còn quan tâm tới cuộc sống, rằng bạn chưa thể từ bỏ được tình yêu. Nếu bạn nhận biết về cái đẹp, làm sao bạn có thể tránh được tình yêu?
Cái đẹp khêu gợi tình yêu; tình yêu truyền đạt cái đẹp.
Tôi nói, "Tại điểm này ông đúng, nhưng tại điểm thứ hai ông sai. Ai đã bảo ông rằng tôi là người tôn giáo? Tôi còn chưa chết cơ mà! - để mang tính tôn giáo yêu cầu cơ bản phải là chết đã. Nếu ông còn sống ông chỉ có thể là kẻ đạo đức giả, ông không thể mang tính tôn giáo thực".
Khi bạn thấy con chim tung cánh, không thể nào không vui sướng trong tự do của nó được. Và khi bạn thấy mặt trời lặn với mọi mầu sắc lan trải trên đường chân trời - cho dù bạn có nhắm mắt lại, chính nỗ lực nhắm mắt của bạn sẽ biểu lộ mối quan tâm của bạn. Bạn đã bị tràn ngập bởi cái đẹp của nó.
Cuộc sống là cái tên khác của tình yêu, và tình yêu không là gì ngoài sự nhạy cảm với cái đẹp.
Tôi đã nói với cái gọi là thánh nhân đó, "Tôi có thể từ bỏ tôn giáo nhưng tôi không thể từ bỏ cuộc sống được, bởi vì cuộc sống đã được trao cho tôi bởi chính bản thân sự tồn tại. Và tôn giáo chỉ là thứ nhân tạo, do các tu sĩ và chính khách chế ra - được chế ra để tước đoạt của con người niềm vui, tước đoạt của con người chân giá trị, tước đoạt của con người bản thân tính nhân bản của mình."
Tôi không là người tôn giáo theo nghĩa đó. Tôi có một định nghĩa hoàn toàn khác về tính tôn giáo. Với tôi người tôn giáo là người sống toàn bộ, sống mãnh liệt, rực cháy với tình yêu, nhận biết về cái đẹp vô cùng tất cả xung quanh, và có dũng cảm để hân hoan trong từng khoảnh khắc của cuộc sống và cái chết cùng nhau. Duy nhất người như vậy mới có khả năng vui sướng trong cuộc sống và cái chết - bài ca của người đó cứ tiếp tục. Không thành vấn đề liệu cuộc sống đang xảy ra hay cái chết đang xảy ra, bài ca của người đó không bị rối loạn, điệu vũ của người đó không nao núng.
Chỉ linh hồn phiêu lưu như vậy, chỉ người hành hương về sự tồn tại như vậy mới mang tính tôn giáo. Nhưng nhân danh tôn giáo con người đã bị trao cho những đồ thay thế nghèo nàn, giả mạo, dỏm, vô nghĩa, chỉ là đồ chơi để chơi. Tôn thờ tượng, đến thăm để tỏ lòng tôn kính những người đã từng là kẻ hèn nhát và chạy trốn và những người không có khả năng sống cuộc sống bởi vì họ sợ chết thế, và gọi họ là thánh nhân, tôn giáo đã làm sao lãng con người khỏi tính tôn giáo đích thực và đúng đắn.